Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành- Giám đốc chuyên môn tại Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia&Maia.
Bệnh lậu có thể gặp ở mọi lứa tuổi và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tăng nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ, lây truyền sang trẻ sơ sinh, thậm chí là tổn thương van tim… Người bệnh cần thăm khám và điều trị ngay với bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng đáng lo ngại như nóng rát khi đi tiểu, tiết dịch âm đạo, dương vật bất thường.
1. Bệnh lậu là gì?
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành- Giám đốc chuyên môn tại Phòng khám Chuyên khoa Da liễu Maia & Maia cho biết, bệnh lậu là bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) do vi khuẩn lậu Neisseria gây ra.
Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC Hoa Kỳ), ước tính có khoảng 1,6 triệu ca nhiễm lậu mới xảy ra trong năm 2018 và chiếm hơn một nửa trong số đó là những người trong độ tuổi từ 15 – 24.
Tuy nhiên, nhiều ca bệnh lây nhiễm không có triệu chứng nên các trường hợp được báo cáo chỉ phản ánh một phần thực tế tổng số ca bệnh.
2. Triệu chứng thường gặp khi bị bệnh lậu
Như đã chia sẻ ở trên, tỷ lệ số người mắc bệnh lậu không triệu chứng rất lớn. Đối với trường hợp có triệu chứng, bệnh thường biểu hiện rõ rệt nhất ở đường sinh dục nhưng cũng có thể xảy ra ở nhiều nơi khác.
2.1. Dấu hiệu bệnh lậu ở cơ quan sinh dục
Bệnh lậu ở nữ giới
Tỉ lệ nữ giới mắc bệnh lậu sau một lần quan hệ tình dục với đàn ông bị bệnh vào khoảng 60-80%. Biểu hiện lậu ở nữ giới thường không rõ ràng hoặc không có triệu chứng, nên thường phát hiện muộn, biến chứng nặng.
Các triệu chứng bao gồm:
– Tăng tiết dịch âm đạo
– Tiểu khó
– Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh hay sau khi giao hợp qua đường âm đạo.
– Đau bụng hoặc đau vùng chậu.
Bệnh lậu ở nam giớiTriệu chứng bệnh ở nam giới thường cấp tính.Tuy nhiên, 25% người bệnh có thể không nhận thấy dấu hiệu nhiễm trùng cho đến vài tuần sau tiếp xúc, điều này có thể vô tình lây nhiễm cho “đối tác”.
Một số dấu hiệu điển hình:
– Tiểu buốt, phù nề và đỏ miệng sáo
– Ra mủ niệu đạo màu vàng, xanh, số lượng nhiều.
– Một bên tinh hoàn đau hoặc sưng.
2.2. Biểu hiện của bệnh lậu ở các cơ quan khác
– Trực tràng: Các triệu chứng bao gồm ngứa hậu môn, chảy mủ từ trực tràng, khó khăn khi đi đại tiện.
– Mắt: Thường gặp ở trẻ sơ sinh, có thể bị 1 hoặc cả 2 mắt. Biểu hiện như mắt sưng nề không mở được, đau mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng, nặng hơn là chảy mủ , viêm loét giác mạc.
– Họng: Triệu chứng của nhiễm trùng cổ họng có thể bao gồm: Đau họng, viêm amidan hoặc sốt, sưng hạch bạch huyết.
-Nhiễm trùng da tiên phát: vết loét ở sinh dục, tầng sinh môn, đùi, ngón tay.
3. Nguyên nhân gây bệnh lậu
Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra thông qua những đường lây nhiễm sau:
– Lây truyền khi quan hệ tình dục bằng đường hậu môn, âm đạo và miệng…
– Nhiễm vi khuẩn khi tiếp xúc với vùng bị nhiễm bệnh của người khác bao gồm âm đạo, dương vật, miệng, hậu môn…
– Truyền bệnh từ mẹ sang con khi sinh thường.
Tuy nhiên vi khuẩn lậu không có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể, do vậy nguy cơ mắc bệnh khi chạm vào các đồ vật như mặc chung quần áo, sử dụng chung nhà vệ sinh, ôm hôn hoặc nắm tay… là rất thấp.
4. Bệnh lậu có thể lây qua đâu?
Bệnh lậu lây truyền qua đường tình dục khi tiếp xúc với dương vật, âm đạo, hậu môn hoặc miệng của người mắc bệnh, kể cả khi không xuất tinh. Ngoài ra bệnh lậu cũng có thể lây từ mẹ sang con khi sinh thường. Những người từng mắc bệnh, đã điều trị khỏi vẫn có nguy cơ tái nhiễm nếu xảy ra quan hệ tình dục với người nhiễm.
Một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng lây nhiễm đó là:
– Quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.
– Nhóm người trẻ tuổi.
– Giao hợp mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ an toàn.
– Người có tiền sử mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
5. Bệnh lậu có nguy hiểm không? Có chữa khỏi được không?
5.1. Bệnh lậu có nguy hiểm không?
Bệnh lậu nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Ở phụ nữ: Vi khuẩn gây bệnh lậu sẽ di chuyển vào đường sinh sản, ảnh hưởng đến tử cung, ống dẫn trứng và buồng trứng. Đây là nguyên nhân chính gây bệnh viêm vùng chậu (PID). Một số biến chứng khi bị PID thường gặp là:
– Hình thành mô sẹo dẫn đến tắc ống dẫn trứng.
– Mang thai ngoài tử cung.
– Vô sinh.
– Đau bụng hoặc đau vùng chậu kéo dài.
Ở nam giới, biến chứng bệnh lậu phải kể đến là:
– Hình thành sẹo ở niệu đạo.
– Áp xe bên trong dương vật, ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản.
– Viêm mào tinh hoàn, viêm ống dẫn tinh ở vị trí gần tinh hoàn.
– Vô sinh.
Ở trẻ em, khi nhiễm vi khuẩn gây bệnh lậu, các bé có nguy cơ đối mặt với nguy cơ bị mù loà, loét ở da đầu hay nhiễm trùng.
Nghiêm trọng hơn, nếu để bệnh lậu diễn tiến trong thời gian dài mà không can thiệp điều trị chúng có thể gây lậu toàn thân, nhiễm trùng huyết, , gây viêm khớp, viêm màng não, viêm màng tim
5.2. Bệnh lậu có chữa khỏi được không?
Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Bệnh lâu hoàn toàn có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Theo đó, tuỳ vào từng tình trạng cụ thể của người mắc bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất để tiêu diệt vi khuẩn gây ra bệnh lậu.
Tuy nhiên, những tổn thương mà lậu cầu khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra cho cơ thể rất khó để hồi phục. Chính vì thế, việc xét nghiệm và điều trị bệnh trong ngay trong giai đoạn vi khuẩn mới bắt đầu xâm nhập vào cơ thể rất quan trọng.
6. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ khi thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu đáng lo ngại đã chia sẻ ở trên.
Ngoài ra, quá trình thăm khám thường xuyên cũng rất quan trọng khi được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh trước đó. Tình trạng này nếu có thể không xuất hiện với các dấu hiệu rõ rệt nhưng không điều trị hiệu quả sẽ làm tăng nguy cơ tái nhiễm.
7. Phương pháp khắc phục tình trạng bệnh lậu
7.1. Điều trị cho đối tác quan hệ tình dục
Đối tác có quan hệ tình dục với người mắc lậu cần thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh ngay cả khi không có triệu chứng bệnh. Tuỳ vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
7.2. Điều trị bệnh lậu cho trẻ sơ sinh
Những em bé có mẹ mắc bệnh lậu có thể bị lây nhiễm trong quá trình sinh đẻ. Trong trường hợp này, thuốc kháng sinh được bác sĩ chỉ định khi điều trị.
7.3. Điều trị bệnh lậu cho người trưởng thành
Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh để điều trị bệnh lậu cho những trường hợp này. Hiện nay chủng Neisseria gonorrhoeae kháng thuốc đang nổi lên, vì thế bệnh lậu không biến chứng nên được điều trị bằng Ceftriaxone hoặc Spectinomycin dạng tiêm kết hợp thêm Azithromycin bằng đường uống.
Còn nếu người bệnh dị ứng với thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin bác sĩ sẽ chỉ định thay thế bằng nhóm Quinolon đường uống hoặc kết hợp Azithromycin đường uống với Gentamicin đường tiêm.
8. Lưu ý để phòng tránh bệnh lậu
Để giảm nguy cơ mắc bệnh lậu, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau:
– Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Hãy sử dụng bao cao su trong bất kỳ hình thức quan hệ nào bao gồm cả quan hệ bằng đường miệng, hậu môn. qua đường âm đạo.
– Hạn chế số lượng bạn tình: Chung thuỷ một vợ một chồng là cách tốt nhất giúp bạn ngăn ngừa được nguy cơ lây bệnh lậu.
– Trước khi quan hệ tình dục bạn và bạn tình cần phải xét nghiệm các bệnh lây truyền thông qua đường này.
– Xét nghiệm và thực hiện sàng lọc bệnh lậu thường xuyên, đặc biệt là nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh sản.
Hy vọng những thông tin cung cấp trên đây đã giúp người bệnh có thêm những thông tin hữu ích về bệnh lậu. Thăm khám sớm và điều trị kịp thời là lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa da liễu để bảo vệ sức khoẻ tốt nhất.
Phòng khám chuyên khoa Da liễu Maia & Maia:- Facebook: https://www.facebook.com/phongkhammaiahanoi
- Hotline: 18004888 và 024 3933 6868
- Địa chỉ: Số 21 Hoàng Cầu, Phường Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.